Trẻ sơ sinh bị nổi mụn sữa có sao không, có ảnh hưởng gì không, tình trạng mụn trứng cá (nang kê) này ở bé có phải là biểu hiện của một loại bệnh lý nào hay không, có cách nào khắc phục điều trị để con sớm trở lại bình thường như trước đây. Thông thường thì trẻ bị nổi mụn sữa giống như các hạt mụn nhỏ li ti sau khi được sinh ra hay vài tuần sau sinh không phải là trường hợp hiếm gặp, vì thế mẹ bỉm sữa đừng nên quá lo lắng. Có rất nhiều cách để xử lý khắc phục ngay tại nhà nhưng nếu mẹ đã cố gắng vận dụng hết mà không nhận thấy kết quả khả quan như mong đợi thì có thể đưa trẻ tới khám tại các trung tâm y tế gần đây hay các bệnh viện da liễu lớn trên địa bàn thành phố, ở đây bé sẽ được thăm khám nhận định về tình hình sức khỏe đúng đắn và có phương án điều trị an toàn hiệu quả hơn.
1. Kiến thức về tình trạng mụn sữa ở trẻ sơ sinh và hướng dẫn mẹ cách điều trị hiệu quả tại nhà
Mụn sữa (nang kê) ở trẻ – Nguyên nhân và cách điều trị
Sau khi sinh khoảng 1 tuần, trẻ thường có những mụn nhỏ li ti ở trên trán, mặt, chân tay. Nhiều trẻ sẽ tự mất sau vài ngày nhưng có những “mụn bệnh lý” mà phải nhờ bác sĩ, thuốc thang mới có thể chữa được. Có rất nhiều loại mụn có thể thấy ở trẻ sơ sinh.
Mụn trứng cá (hay còn gọi là nang kê, hoặc mụn sữa): Có tới 20% số bé sinh ra bị nang kê. Yếu tố gây ra mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh có thể là những hormon mà trẻ nhận được từ mẹ, có thể là trẻ bị phì đại tuyến bã. Hiện tượng mọc mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh xảy ra khá phổ biến. Mụn có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ được sinh ra, nhưng thường thì xuất hiện vài tuần sau khi sinh. Mụn thường xuất hiện ở trên má, đôi khi ở trên trán, cằm và lưng. Những đốm mụn nhỏ này có thể bị bao bọc bởi một vùng da hơi tấy đỏ. Chúng càng đỏ tấy hơn khi cơ thể bé nóng lên, hay khi da bé bị kích thích khi tiếp xúc với nước bọt, sữa mẹ hay các chất tẩy rửa. Thường thì mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh sẽ biến mất chỉ trong vài tuần nhưng cũng có thể kéo dài đến vài tháng. Nếu trong vòng 3 tháng mụn vẫn chưa biến mất thì bạn nên cho con đi khám da liễu. Trong thời gian bé bị mọc mụn trứng cá không nên bôi bất kì loại kem hay thuốc gì lên mụn; cũng không nên chạm tay hay chà xát lên các đốm mụn, như thế rất mất vệ sinh và càng làm cho tình trạng trở nên xấu hơn. Trẻ vẫn cần được tắm rửa hàng ngày với nước sạch đun sôi để nguội và sữa tắm dưỡng ẩm dành cho trẻ sơ sinh. Sau khi tắm phải lau khô người cho trẻ.
Viêm da thể tạng: Có khoảng 15-20% trẻ sơ sinh trên thế giới bị mắc bệnh này. Đây là một dạng eczema, thường gặp ở trẻ từ 3-6 tháng tuổi, với các biểu hiện như nốt đỏ, ngứa ngáy, da khô, một số trường hợp còn rỉ nước và các vảy kết xuất hiện. Hiện nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, nếu cả hai bố mẹ mắc bệnh này thì nguy cơ ở con sẽ là 50%. Ngoài ra, chế độ vệ sinh thái quá: nuôi con trong một môi trường quá sạch, quá vô khuẩn, sẽ khiến hệ miễn dịch của trẻ kém, tạo điều kiện cho bệnh viêm da. Bệnh viêm da thể tạng sẽ giảm dần và biến mất khi trẻ lên 3-4 tuổi, chỉ có 10% trường hợp kéo dài tới khi trẻ trưởng thành. Ngoài việc đưa cháu đi khám, bạn vẫn phải vệ sinh, tắm rửa cho trẻ hàng ngày và không nên giữ gìn trẻ quá cẩn thận.
Rôm sảy: Khi cơ thể trẻ bị nóng thường xuất hiện rôm sảy trên trán, cổ hay trong các nếp da của trẻ. Các mụn có hình tròn, số lượng nhiều và có màu đỏ. Các mụn đỏ sẽ biến mất khi cơ thể bé mát, vì thế cần tránh cho trẻ mặc quần áo quá nóng và cố gắng hạ độ ẩm của môi trường xung quanh.
Cùng với việc đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa da liễu khám và điều trị, bạn nên chú ý tới cách chăm sóc trẻ theo từng loại bệnh kể trên như hướng dẫn của thầy thuốc. Không nên tự ý bôi, dùng thuốc theo kiểu truyền miệng rất dễ gây những hậu quả khôn lường.
Mụn sữa ở bé sơ sinh có sao không? Có tự hết không?
Dù các loại mụn sữa trên cơ thể bé sơ sinh có thể khiến mẹ khá là lo lắng, chúng sẽ không cần một biện pháp chữa trị nào đặc biệt. Sau vài tuần, các mụn này sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp trẻ bị mụn sữa lâu hơn, thậm chí kéo dài vài tháng. Nếu mẹ theo dõi thấy những đốm mụn của bé không hết sau 3 tháng hoặc có dấu hiệu như sưng đỏ, mưng mủ, lan rộng trên mặt và trên cơ thể, lúc này nên đưa bé đi khám da liễu.
Trong nhiều trường hợp, tình trạng mụn sữa ở trẻ sơ sinh kéo dài cũng là chỉ báo tình trạng da mụn sẽ xảy ra ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên, mẹ không cần lo lắng quá vì những vấn đề về da ở trẻ có thể được xử lý hoàn toàn bằng các công nghệ hiện đại.
2. Bố mẹ cần lưu ý những điều nên và không nên làm khi bé bị mụn sữa
Nên: Giữ vệ sinh cho trẻ luôn khô thoáng. Khi chọn quần áo cho trẻ sơ sinh, nên chọn loại thấm hút được mồ hôi.
Nên: Rửa sạch da bé bằng nước ấm, sữa tắm cho trẻ sơ sinh và lau khô.
Nên: Chú ý các thức ăn có thể gây dị ứng cho trẻ. Khi thấy con bị mụn sữa, mẹ nên duy trì việc cho con bú mẹ và không cho bú thêm sữa công thức. Mẹ nên tránh ăn những thức ăn dễ gây dị ứng để đảm bảo sữa mẹ không có tác nhân gây kích ứng cho bé. Với bé đã ăn dặm, cần hạn chế cho trẻ ăn những thức ăn dễ gây dị ứng như đậu phộng, hải sản, trứng,…
Không nên: Cho trẻ mặc quần áo lông vì dễ gây kích ứng cho da của trẻ.
Không nên: Cọ xát mạnh mỗi khi tắm trẻ, đồng thời không dùng xà bông có tính kích thích mạnh.
Không nên: Để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp lên da bé. Nếu tắm nắng cho trẻ sơ sinh, mẹ nên chọn khung giờ buổi sớm hoặc chiều muộn để bé không bị nóng bức.
Không nên: Sử dụng kem, dầu dưỡng ẩm và các loại thuốc trị mụn để điều trị cho trẻ, vì dễ gây kích ứng, nhiễm trùng da.
3. Hỏi đáp bác sĩ: Bé sơ sinh bị nổi mụn đỏ thành từng vùng có sao không? Có phải là dấu hiệu dị ứng sữa?
Câu hỏi đặt ra:
Chào bác sĩ! Con trai tôi hiện được hơn 2 tháng tuổi và vẫn bú sữa ngoài từ khi mới sinh do vợ tôi bị mất sữa. Tôi không hiểu sao mấy hôm nay mặt bé nổi mụn đỏ thành từng vùng. Vợ tôi đã pha nước muối loãng để rửa mặt cho bé nhưng vẫn không đỡ. Liệu có phải bé bị dị ứng sữa không? Xin bác sĩ tư vấn giúp cách điều trị. Cảm ơn bác sĩ! (Thu Hoài – Hà Nội)
Lấy nước bọt bôi lên vùng mặt bị mụn hay pha nước muối loãng rửa mặt cho bé…là hành động thường thấy của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, đây là hành vi sai lầm vì khu vực bị mụn sẽ càng tấy đỏ hơn nếu cơ thể bé nóng lên hoặc có kích thích khi tiếp xúc với nước bọt, nước muối, sữa mẹ…Bởi vậy, trong thời gian bé bị mụn không nên bôi bất kỳ loại kem hay thuốc gì lên mụn nếu chưa được sự đồng ý của bác sĩ, cũng không nên chạm tay hay chà xát lên các đốm mụn, như thế rất mất vệ sinh, có thể làm mụn viêm nhiễm và làm cho tình trạng mụn trở nên xấu hơn.
Thông thường, bé bị mụn sữa (nang kê) sẽ tự khỏi trong vài tuần nhưng cũng có thể kéo dài đến vài tháng. Nếu 3 tháng mà bệnh bé không thuyên giảm thì cần đưa bé đến bác sĩ Da liễu khám.