Ngày nay, khi mà vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động đỏ vì thực phẩm chứa quá nhiều các chất phụ gia, chất bảo quản, thức ăn ôi thiu, biến chất thì việc con người bị trúng độc do ăn phải những thực phẩm nhiễm độc, nhiễm khuẩn là điều rất dễ xảy ra. Không chỉ gây hại cho sức khỏe mà ngộ độc thực phẩm còn khiến tinh thần con người mệt mỏi.
Có thể nói, ngộ độc thực phẩm là bệnh truyền qua thực phẩm. Nguyên nhân gây nên ngộ độc thực phẩm cũng chính từ thực phẩm mà ra. Chẳng hạn do thực phẩm bị ô nhiễm các độc chất do ô nhiễm môi trường hoặc tự nó có chứa độc chất tự nhiên; thực phẩm có chứa độc chất phụ gia thêm như hóa chất tạo vị, tạo mùi, tạo màu, hóa chất bảo quản,…; thực phẩm bị nhiễm ký sinh trùng, nhiễm siêu vi, vi khuẩn.
Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
– Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm quá hạn, nổi nấm mốc, bị ôi thiu, có mùi vị lạ bất thường.
– Mua và nấu vừa đủ, không dùng lại đồ ăn thừa.
– Rửa rau quả dưới vòi nước chảy trước khi ăn. Giữ các loại thực phẩm dễ ôi thiu dưới 50C. Thịt và cá chưa chế biến cần giữ trong đáy tủ lạnh và cất trong bao kín.
– Không để các thực phẩm để dành quá 4 giờ và phải hâm kỹ trước khi ăn.
– Thức ăn phải được nấu chín kĩ trước khi ăn. Không ăn thịt có màu đỏ hồng.
– Trước khi chế biến thức ăn, sau khi vuốt ve động vật, sau khi đi vệ sinh cần phải rửa tay thật kỹ.
– Không ăn những củ khoai tây đã đào khỏi mặt đất quá lâu, những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh hoặc những củ đã mọc mầm để tránh ngộ độc solanin có trong khoai tây.
– Chú ý phòng ngừa ngộ độc xyanua nếu sử dụng củ sắn. Đối với đậu phộng, khoai mì, khoai tây, người tiêu dùng hoàn toàn không nên dự trữ lâu.
– Dụng cụ nhà bếp phải đảm bảo sạch sẽ.
– Lựa chọn mua thực phẩm tươi sống ở những nơi uy tín, đảm bảo chất lượng.
– Chú ý khi nấu nướng: Luôn lau chùi, giữ vệ sinh nhà bếp được sạch sẽ; không dùng chung bát đũa để đồ sống, đồ chín rồi ăn luôn; không sử dụng dầu mỡ chiên qua, chiên lại quá nhiều lần; nấu chín thực phẩm, hạn chế các thực phẩm tái, sống; bảo quản thực phẩm tránh gián, chuột xâm nhập; những thực phẩm dùng để sơ chế như nồi, xoong, thớt, dao cần được rửa sạch sẽ, lau khô xong mới dùng.
Trong vòng 6h sau khi ăn phải thức ăn gây độc, một phần cơ thể đã bị hấp thu chất độc, lúc này cần xử trí ngộ độc thực phẩm bằng cách:
– Dùng chất trung hòa: nếu người bị ngộ độc do chất axit, có thể dùng những chất kiềm như: nước magie oxyt 4%, nước xà phòng 1%, uống 15ml mỗi 5 phút. Với bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày, để tránh hình thành CO2 làm thủng dạ dày, tuyệt đối không được dùng thuốc muối cho bệnh nhân. Nếu người bị ngộ độc do chất kiềm thì cho uống dung dịch axit nhẹ như nước quả chua, dấm,…
– Dùng chất bảo vệ niêm mạc dạ dày: nước cháo, lòng trắng trứng gà, sữa, bột gạo, bột mì,… để ngăn chặn sự hấp thu của dạ dày, ruột đối với chất độc.
– Dùng chất kết tủa: dùng 4-10g natri sunfat, sữa, lòng trắng trứng nếu bị ngộ độc kim loại.
– Dùng chất giải độc: uống kết hợp chất độc thành chất không độc với người bị ngộ độc axit, kim loại nặng,… như: uống hỗn hợp than bột, magie oxit.
Để ngộ độc thực phẩm không quá nguy hiểm và không ảnh hưởng đến tính mạng, hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu điều trị phù hợp và kịp thời nếu bạn thấy có những biểu hiện của trúng độc.