1. Ung thư dạ dày di căn tới bộ phận nào? Các triệu chứng ung thư dạ dày khi di căn tới các bộ phận đó?
Bên cạnh các triệu chứng tại dạ dày do khối u phát triển chèn ép như: đau vùng thượng vị, rối loạn tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa,… thì tùy vào kích thước khối u và vị trí di căn mà các triệu chứng ung thư dạ dày có thể biểu hiện khác nhau.
1.1. Ung thư dạ dày di căn hạch bạch huyết
Hạch bạch huyết (hay còn gọi là hạch lympho) có mặt ở khắp cơ thể, chứa các tế bào bạch cầu lympho đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động miễn dịch bảo vệ cơ thể trước tác nhân ngoại nhập. Các hạch này có thể bị viêm và sưng khi làm nhiệm vụ miễn dịch và đây cũng là dấu hiệu để chẩn đoán bệnh, nhất là các giai đoạn của bệnh ung thư.
Đối với ung thư dạ dày, hạch bạch huyết gần dạ dày là vị trí đầu tiên các khối u di căn sang. Tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh mà số lượng hạch bạch huyết bị di căn ít (chỉ 1 hoặc 2 hạch) hay nhiều (7 đến 15 hạch) hoặc hơn ở giai đoạn cuối.
Các triệu chứng này không nguy hiểm nếu chưa gây biến chứng (hạch vỡ loét hay sốc do mất nước điện giải) đối với người bệnh, nhưng con đường hạch bạch huyết chính là một cách di căn tới các vị trí xa hơn của các tế bào ung thư dạ dày, có vai trò quan trọng giúp các bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày đang ở giai đoạn nào và điều trị kịp thời.
1.2. Ung thư dạ dày di căn phổi
Các tế bào ung thư dạ dày tăng sinh nhanh ở giữa các tế bào bình thường và di căn qua đường lân cận, đường máu hoặc bạch huyết như đã nói ở trên đến các cơ quan khác của cơ thể và phát triển thành những khối u mới. Ung thư dạ dày di căn sang phổi có tỉ lệ chiếm 15%. Việc di căn này có thể xảy ra ở giai đoạn 3 của bệnh, vì đáy lá phổi trái gần dạ dày và thường xảy ra cùng với sự di căn gan.
Triệu chứng bệnh khi di căn đến phổi là: đau họng, ho có thể ho khan hoặc ho có đờm, nặng sẽ ho ra máu, người bệnh thường tức ngực, khó thở,…
1.3. Ung thư dạ dày di căn gan
Theo thống kê thì cơ quan mà tế bào ung thư dạ dày di căn phổ biến nhất là gan, chiếm 48% trong tổng số bệnh ung thư dạ dày di căn. Nguyên nhân được cho là do vị trí của gan ở gần dạ dày nhất. Khối u ác tính ở dạ dày không được điều trị kịp thời sẽ lấn sâu vào lớp dưới niêm mạc, qua thành dạ dày theo đường lân cận sang tấn công gan. Con đường tiếp theo các tế bào ung thư có thể di chuyển từ dạ dày sang gan là qua mạng lưới bạch huyết gần gan và dạ dày.
Giai đoạn đã di căn sang gan thường là ung thư dạ dày giai đoạn cuối, hình thành nên các khối ung thư gan thứ phát. Các triệu chứng trong giai đoạn này thường là:
Buồn nôn, nôn ra máu, đại tiện phân đen.
Vàng da, củng mạc mắt vàng.
Đau vai bên phải và vùng bụng phải trên rốn (vị trí gan).
Bụng chướng, ăn không ngon, nhai nuốt khó.
Bề mặt gan không nhẵn mà lổn nhổn, cứng.
Sốt cao, đổ mồ hôi nhiều.
Nước tiểu đổi màu.
Sụt cân do các triệu chứng trên kéo dài hoặc không rõ nguyên nhân.
1.4. Ung thư dạ dày di căn đại trực tràng
Đại tràng (ruột già) là phần gần cuối của hệ thống tiêu hóa, gắn liền với ống hậu môn qua trực tràng, có chức năng chính là hấp thụ nước, các chất điện giải từ thức ăn đã được tiêu hóa và phân hủy cùng các vi khuẩn tạo thành phân. Triệu chứng ung thư dạ dày di căn đại trực tràng biểu hiện như sau:
Cơn co thắt, đau quặn bụng một cách thường xuyên.
Các triệu chứng do rối loạn chức năng đại trực tràng: tiêu chảy, táo bón,…
Chán ăn, ăn không ngon, không có cảm giác thèm ăn, chướng bụng.
Mệt mỏi, sụt cân, thần kinh căng thẳng và người bệnh luôn cảm thấy thiếu sức sống.
Ho, nôn hoặc đi ngoài kèm theo xuất hiện máu trong các dịch này.
1.5. Ung thư dạ dày di căn xương
Tế bào ung thư di căn sang xương thì thường người bệnh đã ở giai đoạn 4 (giai đoạn cuối) với tiên lượng xấu. Tỉ lệ bệnh nhân ung thư dạ dày di căn xương chiếm khoảng 12% do các tế bào ung thư đi theo con đường bạch huyết đến các mô xương hình thành nên khối u gây ra các triệu chứng điển hình như:
Xương yếu, dễ bị gãy, xương đau nhức mức độ nặng, bị tiêu xương.
Khối u chèn ép tủy sống, rễ thần kinh khi di căn cột sống.
Tổn thương tủy xương gây thiếu máu giảm hồng cầu, cơ thể xanh xao; thiếu tiểu cầu gây tình trạng dễ xuất huyết; thiếu bạch cầu gây dễ nhiễm trùng do giảm miễn dịch.
Suy nhược cơ thể, người bệnh thường sụt cân không rõ lý do.
Canxi trong máu cao nên người bệnh sẽ chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn hay táo bón kéo dài.
Ổ tiêu xương có thể phát hiện qua X-quang, nếu tổn thương xương này thể hiện rõ rệt trên x-quang thì người bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối bệnh ung thư dạ dày.
1.6. Các vị trí khác
Ung thư dạ dày còn có thể di căn sang nhiều vị trí khác ngoài các cơ quan trên như tuyến tiền liệt (nam giới), buồng trứng – khối u Krukenberg (nữ giới), túi mật, não,… nhưng tỉ lệ thấp hơn.
2. Cách điều trị ung thư dạ dày di căn
Khi đã xuất hiện các triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn di căn, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh và cơ quan di căn để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
2.1. Phẫu thuật
Trường hợp ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm (tiền ung thư và giai đoạn 1) thì phẫu thuật cắt bán phần hoặc toàn bộ dạ dày là phương pháp tối ưu và triệt căn nhất. Cắt dạ dày có thể kèm theo nạo vét hạch ở hệ thống bạch huyết lân cận. Phẫu thuật tùy trường hợp kèm theo hóa xạ trị trước hoặc sau để nâng cao hiệu quả điều trị.
Tuy nhiên ở giai đoạn ung thư dạ dày đã di căn rộng hoặc xa, phẫu thuật chỉ giúp giảm các triệu chứng do khối u gây ra, đặc biệt giảm các cơn đau và chảy máu, kéo dài thêm sự sống cho người bệnh.
2.2. Hóa xạ trị
2.2.1. Hóa trị trong ung thư dạ dày:
Hóa trị là phương pháp sử dụng các hóa chất gây độc tế bào để tiêu diệt tế bào ung thư. Đối với ung thư dạ dày, các hóa chất này được đưa vào cơ thể qua đường tiêm truyền tĩnh mạch hoặc đường uống. Sau đó, thuốc hóa trị liệu sẽ phân bố khắp cơ thể và đặc biệt tập trung nhiều ở tế bào ung thư do đặc điểm tăng sinh nhanh của các tế bào này. Như vậy hóa trị là phương pháp phù hợp nhất trong giai đoạn ung thư dạ dày đã di căn.
Đương nhiên việc kết hợp hóa trị với các phương pháp khác như phẫu thuật, xạ trị là điều cần thiết trong giai đoạn này để đạt được mục tiêu điều trị.
2.2.2. Xạ trị trong ung thư dạ dày
Đây là phương pháp sử dụng các tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị cũng là một phương pháp điều trị tại chỗ như phẫu thuật, tác dụng của tia xạ khu trú tại khu vực ảnh hưởng của nguồn phóng xạ được chỉ định. Do vậy hầu hết điều trị xạ trị được sử dụng nhằm hỗ trợ phương pháp phẫu thuật trong việc loại bỏ khối u được triệt để hơn. Có thể kết hợp cả hóa xạ trị để mang lại hiệu quả cao hơn trong điều trị.
2.3. Các phương pháp khác
Ngoài phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, tùy vào mức độ di căn và tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ có thể lựa chọn các phương pháp khác phù hợp như liệu pháp miễn dịch hay dùng thuốc tác dụng tại đích. Các phương pháp này cũng chỉ có thể giúp kéo dài sự sống và nâng cao chất lượng sống của người bệnh giai đoạn này.
3. Bệnh ung thư dạ dày di căn sống được bao lâu?
Bệnh ung thư dạ dày khi đã xuất hiện tình trạng di căn xa thì mục tiêu điều trị không còn là ung thư chữa khỏi nữa, việc kéo dài thời gian sống thêm của bệnh nhân và cải thiện chất lượng sống được đưa lên hàng đầu. Vậy bệnh ung thư dạ dày di căn sống được bao lâu sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và vị trí di căn, mức độ di căn của khối u thứ phát như sau:
Nếu bệnh ung thư dạ dày phát hiện sớm ở giai đoạn mới di căn ít hạch bạch huyết và điều trị kịp thời thì bệnh nhân vẫn còn khả năng điều trị thành công và tỉ lệ sống sau 5 năm đạt 50%.
Nếu bệnh đã sự di căn đến các cơ quan xa như gan, phổi, đại trực tràng, xương,… thì lúc này tỉ lệ sống của bệnh nhân sau 5 năm là rất thấp (chỉ khoảng 5.3%). Đa số chỉ sống được tầm vài tháng, đặc biệt với ung thư dạ dày di căn gan hoặc xương.
Như vậy, nhận biết được các triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn di căn kịp thời và điều trị tích cực thì bệnh nhân vẫn có cơ hội kéo dài cuộc sống. Điều quan trọng hơn là mỗi người cần có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, vận động cơ thể và khám sức khỏe định kì, tầm soát ung thư để phòng tránh bệnh ung thư dạ dày cũng như ngăn cản khối u di căn.