1. Ung thư di căn là gì?
Ung thư di căn là giai đoạn phát triển cuối cùng của bệnh. Lúc này, các khối u không còn giới hạn ở vị trí ung thư khởi phát mà đã lan rộng đến các hạch bạch huyết, cơ quan lân cận hay các cơ quan ở xa. Phổi, xương, gan, não… là những cơ quan mà ung thư thường di căn đến nhất.
Vị trí hình thành khối u được gọi là u nguyên phát. Trong quá trình khối u phát triển, một hoặc nhiều tế bào ung thư có khả năng tách ra, di chuyển đến vị trí mới và phát triển thành một ổ mới gọi là ổ di căn hay vị trí di căn.
Ung thư di căn là khi các tế bào ung thư lan rộng từ nơi nó xuất hiện đầu tiên sang các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư di căn có chữa được không là câu hỏi của nhiều người. Di căn là sự lây lan của bệnh ung thư hoặc các bệnh khác từ một cơ quan hoặc một phần của cơ thể sang một cơ quan khác mà không bị trực tiếp kết nối với nó. Các lần xuất hiện mới của bệnh do đó được tạo ra được gọi là di căn metastases.
2. Ung thư di căn như thế nào?
Tế bào ung thư có 2 đường lây lan và di căn tới các cơ quan khác, đó là:
– Đường máu: tế bào ung thư trôi theo dòng máu, mắc lại ở một nơi nào đó và sinh sôi, tăng trưởng ở đó. Phổi và gan là những nơi có mạch máu dày đặc nên tế bào ung thư hay mắc lại. Đó là lý do mà phổi và gan là 2 vị trí ung thư thường di căn đến sớm nhất.
– Hạch bạch huyết: đây là một mạng lưới gồm các ống chia nhánh giống như mạch máu, tỏa khắp cơ thể, gọi là bạch mạch có chất dịch gần như trong suốt lưu thông ở trong, có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể. Dọc đường đi của bạch mạch có các bạch huyết nhỏ hình hạt đậu. Tế bào ung thư sau khi thoát khỏi u nguyên phát có thể xâm nhập vào mạng lưới bạch mạch rồi mắc ở lại các bạch huyết. Bên cạnh đó, tế bào ung thư còn có thể di căn theo các lối ít bị cản trở vào các hốc, ống trong cơ thể.
3. Bệnh nhân ung thư di căn thường phải đối mặt với 4 vấn đề sau:
So với các giai đoạn ung thư trước đó, biểu hiện ung thư giai đoạn cuối rất phức tạp, do ung thư không còn giới hạn ở vị trí u nguyên phát mà đã ảnh hưởng đến các cơ quan ở xa. Một số vấn đề người bệnh thường phải đối mặt bao gồm:
– Đau đớn: Nhiều nghiên cứu cho biết có đến khoảng 75% ung thư giai đoạn muộn đều có triệu chứng đau ở mức độ trung bình hoặc đau dữ dội. Riêng tại Việt Nam, có đến khoảng 79% bệnh nhân ung thư cảm thấy đau đớn kể từ lúc được chẩn đoán.
– Nôn và buồn nôn: Nôn và buồn nôn kéo dài là một trong những triệu chứng gây khó chịu và thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư di căn, đặc biệt là các bệnh ung thư đường tiêu hóa.
– Táo bón: Thường gặp ở giai đoạn cuối do người bệnh ít hoạt động, uống ít nước, suy yếu các cơ bụng và sàn chậu.
– Vấn đề tâm lý: Với nhiều bệnh nhân ung thư, cú sốc tinh thần từ khi chẩn đoán ra bệnh đến lúc ung thư ở giai đoạn muộn đều rất phức tạp. Người bệnh thường có cảm giác lo lắng, sợ hãi, bất lực… và chính những điều này đã cản trở không nhỏ đến hiệu quả điều trị. Vì vậy, bên cạnh việc chăm sóc y tế, việc động viên, khích lệ tinh thần cho người bệnh tiếp tục chiến đấu là điều cần thiết.
4. Ung thư di căn sống được bao lâu?
Bị ung thư di căn sống được bao lâu là lo lắng của tất cả bệnh nhân cũng như người thân của họ. Thực tế, ngoài giai đoạn tiến triển ung thư, tiên lượng cho bệnh nhân ung thư như thế nào phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như loại ung thư, độ tuổi, tình trạng sức khỏe chung của người bệnh (các bệnh lý đi kèm), mức độ đáp ứng điều trị…
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tiên lượng sống 5 năm cho một số bệnh ung thư di căn thường gặp ở giai đoạn cuối là:
– Ung thư đại tràng: 11%
– Ung thư trực tràng: 12%
– Ung thư vú: 21%
– Ung thư tuyến tiền liệt: 29%
– Ung thư tuyến giáp 28 – 51%…
5. Ung thư di căn có chữa được không?
Di căn ở ung thư có 2 loại là di căn vùng và di căn xa (não, xương, phổi). Ung thư di căn vùng vẫn có khả năng chữa khỏi cao hơn so với giai đoạn khu trú, di căn xa.
Hiện nay, nhiều tiến bộ trong khoa học công nghệ và sinh học phân tử, đã tạo ra nhiều cơ hội điều trị và chữa khỏi ung thư cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai,… các bác sĩ đã triển khai nhiều phương pháp để chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư như đánh giá, điều trị xạ phẫu, xạ trị kỹ thuật cao, tiêu biến liều, tiêu biến thể tích và các phương pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch.
Để chữa khỏi ung thư đạt hiệu quả cao và chi phí thấp, người dân cần đề phòng và phát hiện sớm bệnh. Khi phát hiện bệnh muộn, chi phí điều trị tốn kém và khả năng chữa khỏi sẽ thấp hơn so với phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Ngoài ra, ung thư có yếu tố di truyền nhưng ở tỷ lệ thấp. Để xác định gia đình có bị ung thư di truyền hay không, cần căn cứ vào 2 đặc điểm mắc ung thư từ rất sớm khoảng dưới 40 tuổi và có ít nhất 2 thành viên trong gia đình cùng mắc một loại ung thư. Đối với ung thư có tính chất gia đình, người dân cần chú ý chăm sóc sức khỏe, sàng lọc, đặc biệt chú ý đến cơ quan có xác suất cao xảy ra ung thư.
Đối với nhiều người bị ung thư, mục tiêu điều trị là cố gắng chữa ung thư, tức là họ muốn thoát khỏi ung thư và muốn ung thư không bao giờ quay trở lại nữa. Tuy nhiên, để chữa khỏi ung thư di căn là một điều hết sức khó khăn. Bởi vì khi các tế bào ung thư di căn đã phát triển mạnh mẽ trong cơ thể sẽ rất khó để kiểm soát và giảm nhẹ tốc độ lây lan của chúng. Điều trị ung thư di căn còn phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khỏe cũng như bệnh trạng (loại ung thư nguyên phát) của người bệnh.
Khi bị mắc ung thư di căn, nên xác định rằng sẽ phải chung sống với nó lâu dài. Các bác sĩ thường coi đó như là một căn bệnh mãn tính giống như một số bệnh mãn tính khác như tiểu đường, suy tim sung huyết hoặc bệnh đa xơ cứng. Điều quan trọng là cần tuân theo kế hoạch điều trị của mình để kiểm soát ung thư di căn một cách tốt nhất có thể.
Điều trị ung thư di căn còn tùy thuộc vào loại ung thư, các lựa chọn điều trị có sẵn và mong muốn. Nó cũng phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe nói chung, cách điều trị mà bạn đã thực hiện trước đây và một vài yếu tố khác.