Ung thư máu là một bệnh lý ung thư ác tính có tỷ lệ tử vong cao. Cũng giống như các căn bệnh ung thư khác, ung thư máu phát triển âm thầm, các dấu hiệu ung thư máu không rõ rệt giai đoạn sớm, người bệnh thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, tiên lượng rất xấu.
1. Ung thư máu là gì?
Hình ảnh ung thư máu
Ung thư máu hay còn gọi là bệnh bạch cầu ác tính, đây là căn bệnh ung thư ác tính của tổ chức tạo máu và cũng là loại ung thư duy nhất không hình thành khối u. Khi bị ung thư máu, tủy và hệ bạch huyết bị rối loạn, tạo ra những tế bào ác tính. Chúng tăng sinh ngoài tầm kiểm soát và nhu cầu của cơ thể, lấn át các tế bào khác trong máu khiến cho máu không hoàn thành được các nhiệm vụ thường lệ.
2. Phân loại bệnh ung thư máu
Bệnh ung thư máu được chia ra làm 2 nhóm chính:
Ung thư máu mạn tính: Bệnh thường tiến triển chậm, kéo dài trong nhiều năm. Đối với bệnh ung thư máu mạn tính, ở giai đoạn sớm, các tế bào bạch cầu ác tính vẫn còn khả năng thực hiện một số chức năng bình thường. Dần dần, các tế bào ác tính phát triển mạnh và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như nổi hạch, nhiễm khuẩn.
Ung thư máu cấp tính: Đây là bệnh lý ác tính, tiến triển nhanh. Ngay ở giai đoạn đầu, các tế bào bạch cầu đã không thực hiện được chức năng của tế bào bạch cầu bình thường. Số lượng tế bào bạch cầu ác tính cũng phát triển rất nhanh.
Ngoài cách phân loại như trên, chúng ta có thể phân loại bệnh ung thư máu dựa trên dòng bạch cầu bị ảnh hưởng trong cơ thể như: các tế bào dòng tủy hoặc dòng lympho hay tế bào tóc.
3. Dấu hiệu ung thư máu không thể bỏ qua
Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào số lượng các tế bào bạch cầu ác tính trong máu và vị trí các tế bào này ảnh hưởng đến cơ thể.
Ung thư máu mạn tính
Hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng, bệnh thường được phát hiện thông qua khám sức khỏe định kỳ và làm xét nghiệm máu.
Ung thư máu cấp tính
Các triệu chứng thường rõ ràng hơn, nế u não bị tổn thương thì thường xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, nôn, lú lẫn, mất trương lực cơ, động kinh hoặc có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể như hệ tiêu hóa, thận, phổi, tim, tinh hoàn.
Khi các tế bào ung thư bạch cầu phát triển nhanh trong tủy xương sẽ làm giảm sự phát triển của các tế bào máu bình thường và khi đó bệnh nhân có thể gặp những triệu chứng sau:
Đau nhức xương
Sốt, đau đầu, đau khớp
Mệt mỏi, yếu sức, màu da trắng nhợt do thiếu hồng cầu
Nhiễm trùng do số lượng bạch cầu suy giảm
Biếng ăn, sụt cân, ra nhiều mồ hôi về đêm
Sưng bụng, khó chịu ở bụng
Sưng hạch, bạch huyết, chảy máu cam
4. Yếu tố nguy cơ gây ung thư máu
Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh ung thư máu bao gồm:
Tiếp xúc với tia phóng xạ
Những người tiếp xúc với tia phóng xạ liều cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh bệnh bạch cầu tủy cấp tính, bệnh bạch cầu lympho cấp tính, bệnh bạch cầu tủy mạn tính. Những người có tiền sử tia xạ khi điều trị ung thư hoặc bệnh khác cũng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch cầu.
Tiếp xúc với hóa chất độc hại
Các chất độc hại có thể được kể đến như benzene, formaldehyde. Một số bệnh nhân ung thư được điều trị hóa chất (như các chất alkyl hóa, các chất ức chế topoisomerase) về sau có thể bị mắc bệnh bạch cầu tủy cấp tính hoặc bệnh bạch cầu lympho cấp tính.
Một số bệnh do thay đổi gen
Các bệnh do thay đổi gen như hội chứng down, hội chứng rối loạn sinh tủy và một số bệnh bất thường về máu có nguy cơ gây ung thư máu cao
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu tủy cấp tính.
Tiền sử gia đình
Có thể gặp trong thể bệnh bạch cầu lympho mạn tính.
5. Các phương pháp chẩn đoán ung thư máu
Một số phương pháp chẩn đoán ung thư máu hiện nay:
Xét nghiệm công thức máu
Xét nghiệm công thức máu giúp các bác sĩ xác định được số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, và phân loại các tế bào bạch cầu. Bình thường, tế bào máu ngoại vi không tồn tại các tế bào máu non, tuy nhiên, ở bệnh nhân ung thư máu sẽ xuất hiện các tế bào máu non trong máu. Xét nghiệm công thức máu sẽ phát hiện ra những tế bào máu non này, từ đó giúp ích cho chẩn đoán của bác sĩ.
Xét nghiệm tủy
Khi nghi ngờ bệnh nhân mắc ung thư máu thì phương pháp chọc tủy sẽ là xét nghiệm bắt buộc phải thực hiện để phân loại và xác định các loại tế bào máu trong tủy. Xét nghiệm tủy được cho là phương thức kiểm tra ung thư máu chính xác nhất hiện nay.
Một số phương pháp khác
Những phương pháp này được sử dụng trong chẩn đoán ung thư máu như chụp X-Quang (chụp lồng ngực, chụp xương, chụp đáy sọ..), kiểm tra đáy mắt, siêu âm lá lách, gan, sinh hóa huyết học, làm các xét nghiệm siêu vi… mục đích để đánh giá mức độ xâm lấn của bệnh và đưa ra các biện pháp điều trị kịp thời.
6. Các phương pháp điều trị ung thư máu
Các phương pháp điều trị ung thư máu hiện nay bao gồm: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch, cấy ghép tế bào gốc. Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Hóa trị
Hầu hết người bệnh bị ung thư máu đều phải điều trị bằng hóa trị liệu. Thuốc chống ung thư được tiêm vào tĩnh mạch hoặc dùng đường uống, sau đó ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu ở hầu hết các bộ phận của cơ thể. Tuy nhiên, thuốc không thể ngấm vào trong hệ thần kinh trung ương vì sự ngăn chặn của hàng rào máu não. Vì vậy, để thuốc tới được các tế bào bạch cầu trong hệ thần kinh trung ương, bác sĩ phải tiêm thuốc vào dịch não tủy.
Xạ trị
Xạ trị là biện pháp chiếu tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư, hạn chế sự phát triển của khối u. Xạ trị trong ung thư bạch cầu gồm 2 phương pháp:
Xạ trị tại chỗ: Thường áp dụng cho bệnh nhân có tế bào ung thư bạch cầu tập trung tại một khu vực cụ thể như lá lách, tinh hoàn…
Xạ trị toàn bộ cơ thể: Thường được sử dụng trước khi cấy ghép tủy xương.
Liệu pháp miễn dịch
Là phương pháp điều trị sử dụng hệ miễn dịch để chống lại các tế bào ung thư. Liệu pháp này được thực hiện bằng cách kích thích, hỗ trợ hệ miễn dịch của chính cơ thể người bị bệnh bằng một số yếu tố bổ sung hoặc đưa từ bên ngoài vào; thường được các bác sĩ sử dụng kết hợp cùng các phương pháp điều trị khác. Interferon là một hình thức trị liệu miễn dịch thường được sử dụng để điều trị ung thư bạch cầu.
Cấy ghép tế bào gốc
Cấy ghép tế bào gốc được thực hiện bằng cách lấy tủy xương hoặc máu của người hiện tạng thích hợp để thay thế tủy xương cho người bị ung thư bạch cầu. Trước khi cấy ghép tế bào gốc, bệnh nhân ung thư bạch cầu cần được hóa, xạ trị liều cao để tiêu diệt gần hết tế bào ung thư trong cơ thể.
Phẫu thuật
Phẫu thuật thường ít được sử dụng để điều trị ung thư máu. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ thực hiện loại bỏ lá lách bị sưng.